Thân thế Lý_Thường_Kiệt

Dòng dõi

Ông vốn là người phường Thái Hòa (太和坊) của thành Thăng Long, theo Hoàng Xuân Hãn thì Thái Hòa cũng là tên một núi nhỏ ở phía Tây trong thành Thăng Long, bây giờ, ở phía nam đê Bách Thảo, gần chỗ rẽ xuống trường đua ngựa. Họ gốc của Lý Thường Kiệt vốn không phải họ Lý, vì ông được ban quốc tính[2] mới được mang họ Lý. Họ gốc của ông, hiện có hai thuyết lớn gây tranh cãi:

  • Họ Ngô: thuyết này dựa theo "Phả hệ họ Ngô Việt Nam" cùng "Thần phổ Lý Thường Kiệt" do Nhữ Bá Sĩ soạn vào thời nhà Nguyễn. Theo cứ liệu này, nguyên danh của ông là Ngô Tuấn (吳俊), biểu tự Thường Kiệt (常傑), sau được ban quốc tính nên có tên là Lý Thường Kiệt. Ông là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Sứ quân Ngô Xương Xí và chắt của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập – con trai trưởng của Ngô Quyền[3]. Thuyết này được nhìn nhận phổ biến nhất, tuy nhiên lại bị xem là "thuyết mới", vì thời gian của cứ liệu đều còn non, một cuốn phả hệ không rõ nguồn gốc và một thần phổ soạn vào tận thời Nguyễn.
  • Họ Quách: thuyết này dựa theo bia "An Hoạch Báo Ân tự bi ký" (lập năm 1100)[4][5] và bia "Cồ Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tính tự" (lập năm 1159), đây đều là hai bia gốc thời nhà Lý và bản dịch hiện có trong cuốn "Văn bia thời Lý-Trần" của Lâm Giang, Phạm Văn Thắm và Phạm Thị Hoa. Theo thông tin của cả hai bia, thì Lý Thường Kiệt vốn họ Quách, tên Tuấn, biểu tự Thường Kiệt rất tương tự với thông tin của [thuyết họ Ngô]. Theo thông tin của bia, quê ông là làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, huyện Gia Lâm ngày nay), và có lẽ sau này mới cải tịch thành phường Thái Hòa như Toàn thư ghi nhận. Cha ông làm Thái úy đời Lý Thái Tông, có hai tên khác nhau, theo Đại Việt sử lược chép là Thái úy Quách Thịnh Ích (郭盛謚), còn An Nam chí lược thì chép là Thái úy Quách Thịnh Dật (郭盛溢)[6], quê ở huyện Câu Lậu, Tế Giang (nay thuộc huyện Mỹ Văn, Hưng Yên). Sau được Hoàng đế ban quốc tính, vì vậy Quách Tuấn mới có tên là Lý Thường Kiệt. Theo văn bia của Thái úy Đỗ Anh Vũ, thì cha của Anh Vũ gọi Lý Thường Kiệt là cậu ruột[7].

Sử sách Trung Quốc thường chép [Thường Kiệt] là Lý Thường Cát hoặc Lý Thượng Cát[8][9]. Trong gia đình, ông có một người em tên Lý Thường Hiến (李常憲). Có lẽ cũng như anh, "Thường Hiến" là biểu tự chứ không phải tên thực; thông lệ từ xưa thì biểu tự có ý nghĩa tương đồng hoặc trái nghĩa với tên thực và dùng để gọi bên ngoài như một hiểu hiện của sự lịch sự, chỉ có trong nhà mới gọi tên thực.

Gia thế

Theo nhận xét của sách Đại Việt sử ký toàn thư, nhà của ông nối đời làm quan theo thức thế tập[10], tức là truyền chức này vĩnh viễn qua các đời, do đó có thể thấy gia đình của ông là một nhà quan lại có gốc gác bền vững. Từ nhỏ Lý Thường Kiệt đã tỏ ra là người có chí hướng và nghị lực, chăm học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ, từng nghiên cứu về binh pháp[11].

Cũng do hai nguồn khác nhau, nên chức vụ cha của Lý Thường Kiệt cũng khác nhau. Sách Việt điện u linh tập cùng với [nguồn họ Ngô] đều ghi cha của Lý Thường Kiệt tên An Ngữ, và là một "Sùng ban Lang tướng". Sách An Nam chí lược trong quan chế đời Lý có hai tên Sùng ban và Lang tướng, nhưng chính sách ấy chép hai tên này rời nhau. Có lẽ "Sùng ban Lang tướng" là "Lang tướng thuộc Sùng ban", vì ngay trong sách Chí lược cũng có ghi một chức tên "Vũ nội Lang tướng", nhưng không rõ hai chức vụ này có địa vị thế nào trong triều đình. Còn như [nguồn họ Quách] thì Lý Thường Kiệt là con của Quách Thịnh Ích, là một Thái úy, do đó vị thế có khác biệt.

Bia Nhữ Bá Sĩ chép về hành trạng thời trẻ có phần huyền thoại của Lý Thường Kiệt như sau:

Chân dung Lý Thường Kiệt trên bìa sách của Hoàng Xuân Hãn.

Khoảng niên hiệu Thiên Thành, đời Lý Thái Tông, cha đi tuần biên địa, ở Tượng Châu thuộc Thanh Hóa, bị bệnh rồi mất vào năm Tân Mùi (1031). Thường Kiệt bấy giờ mười ba tuổi, đêm ngày thương khóc không dứt.

Chồng của người cô là Tạ Đức thấy thế, đem lòng thương và dỗ dành. Nhân đó hỏi ông về chí hướng, ôn g trả lời: "Về văn học, biết chữ để ký tên là đủ. Về võ học, muốn theo Vệ Thanh, Hoắc Khứ, lo đi xa vạn dặm để lập công, lấy được ấn phong hầu, để làm vẻ vang cho cha mẹ. Đó là sở nguyện". Tạ Đức khen là có chí khí, bèn gả cháu gái tên là Thuần Khanh cho ông, và dạy cho học các sách binh thư họ Tôn, họ Ngô.

Thường Kiệt đêm ngày học tập. Đêm đọc sách, ngày tập bắn cung, cưỡi ngựa, lập doanh, bày trận. Các phép binh thư đều thông hiểu cả. Tạ Đức lại khuyên đọc sách nho. Thường Kiệt rất chịu gắng công học tập, nên chóng thành tài.

Năm ông 18 tuổi (1036), mẹ mất. Hai anh em lo đủ mọi lễ tống táng. Trong khi cúng tế, hễ có việc gì, cũng tự tay mình làm. Lúc hết tang, nhờ phụ ấm, Thường Kiệt được bổ chức "Kỵ mã hiệu úy", tức là một sĩ quan nhỏ về đội quân cưỡi ngựa.

— Trích từ bia Nhữ Bá Sĩ, bản dịch từ sách "Lý Thường Kiệt" của Hoàng Xuân Hãn

Học giả Hoàng Xuân Hãn khi trích lại nội dung từ bia Nhữ Bá Sĩ, cũng có nhận xét:"Đoạn trên này, chép theo bia NBS (chú: Nhữ Bá Sĩ), là một bia mới dựng đời Tự Đức. Chắc rằng Nhữ Bá Sĩ chép theo thần phổ. Thần phổ phần nhiều là lời chép tục truyền hay lời bịa đặt, ta không thể hoàn toàn tin những chi tiết quá rõ ràng chép trong thần phổ. Nhưng sự giáo dục Thường Kiệt kể trên đây là hợp với những điều ta còn biết về đời nhà Lý".